Hội chứng thận hư: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

             

Hội chứng thận hư là một nhóm các triệu chứng phối hợp với nhau cho thấy hai thận của bạn không hoạt động bình thường.

Hội chứng thận hư xảy ra khi có bất thường ở màng lọc cầu thận làm cho thận không giữ được chất đạm, hậu quả là tăng thải chất đạm qua nước tiểu. Nguyên nhân gây bệnh có thể do:

  • Các bệnh lý xuất phát từ thận: gọi là hội chứng thận hư nguyên phát
  • Các bệnh lý gây ảnh hưởng toàn cơ thể, trong đó có thận: gọi là hội chứng thận hư thứ phát.

Ở trẻ em dưới 16 tuổi, 90% các trường hợp là nguyên phát, còn lại là nguyên nhân thứ phát thường gặp nhất là đái tháo đường. Ở người trưởng thành, hầu hết là thứ phát thường gặp nhất do đái tháo đường; trong khi đó nguyên nhân nguyên phát thường gặp nhất là xơ chai cầu thận khu trú.



Ai dễ mắc hội chứng thận hư?

Hội chứng thận hư có thể xuất hiện ở bất cứ ai nhưng bệnh thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Ở trẻ em, bệnh thường xảy ra nhất ở độ tuổi từ 2 đến 6 tuổi. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Có bệnh lý ảnh hưởng đến thận như: xơ chai cầu thận khu trú từng vùng, Lupus, đái tháo đường, thoái biến dạng bột…
  • Sử dụng thuốc kháng viêm non-steroid hoặc một số kháng sinh
  • Nhiễm HIV, viêm gan siêu vi B, C hoặc sốt rét…
  • Triệu chứng và biểu hiện cảnh báo

Các triệu chứng của hội chứng thận hư : Có quá nhiều protein trong nước tiểu (gọi là tiểu đạm); Nồng độ protein trong máu thấp; Nồng độ mỡ trong máu cao; Sưng phù mi mắt, mặt, mắt cá chân, 2 chân hoặc toàn thân. Tuy nhiên, bạn có thể không biết mình bị hội chứng thận hư cho đến khi thực hiện các xét nghiệm máu và nước tiểu.

Một số dấu hiệu dưới đây có thể giúp gợi ý hội chứng thận hư:

  • Sưng phù với nhiều mức độ: từ phù nhẹ với biểu hiện phù kín đáo ở mi mắt, mặt, mắt cá chân đến phù nặng như phù to toàn thân, ứ nước trong ổ bụng, khoang màng phổi, màng ngoài tim…
  • Cảm giác mập hơn hoặc tăng cân bất thường
  • Nước tiểu có nhiều bọt
  • Cảm giác rất mệt mỏi, ăn uống kém, không muốn ăn
  • Huyết áp cao

Nhiều biến chứng nguy hiểm

Trong cơ thể, protein giữ nhiều vai trò quan trọng như: tham gia cấu tạo xương, cơ và các mô khác, chống nhiễm trùng, điều hoà sự phân bố dịch giữa các ngăn trong cơ thể, loại bỏ dịch dư thừa, điều hoà đông máu… Khi bị hội chứng thận hư, bệnh nhân bị mất nhiều protein qua nước tiểu, do đó có thể gặp các tình trạng:

  • Phù do tích tụ dịch lại trong cơ thể.
  • Thuyên tắc huyết khối gây tai biến do tăng khả năng hình thành các cục máu đông gây nghẽn mạch.
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Bên cạnh đó, khi bị hội chứng thận hư, cơ thể không thể loại bỏ cholesterol dư thừa một cách hiệu quả khiến cholesterol tích tụ nhiều trong máu. Các hạt mỡ kết dính lại với nhau trong mạch máu có thể dẫn đến hiện tượng thuyên tắc mỡ gây biến chứng nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim cấp hoặc đột quỵ.

Ngoài ra, các biến chứng khác của hội chứng thận hư bao gồm:

  • Huyết áp cao: tổn thương cầu thận và kết quả là sự tích tụ chất thải trong máu (urê huyết) có thể làm tăng huyết áp.
  • Suy dinh dưỡng: do mất quá nhiều protein trong máu. Điều này có thể dẫn đến giảm cân, nhưng có thể khó nhận ra bởi cơ thể đang bị sưng phù.
  • Thiếu máu
  • Giảm lượng vitamin D và canxi.
  • Suy thận cấp: nếu thận mất khả năng lọc máu do tổn thương cầu thận, các chất thải có thể tích tụ nhanh chóng trong máu, đôi khi có thể cần lọc máu cấp cứu.
  • Bệnh thận mãn tính: hội chứng thận hư có thể khiến thận mất dần chức năng theo thời gian. Nếu chức năng thận giảm đủ thấp, bệnh nhân có thể phải lọc máu hoặc ghép thận để duy trì sự sống.

Các biện pháp điều trị hiệu quả

Một số trường hợp hội chứng thận hư nguyên phát (do sang thương tối thiểu) có thể chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên hầu hết là không thể chữa khỏi và dễ bị tái phát trong quá trình điều trị. Mục tiêu điều trị chủ yếu là kiểm soát triệu chứng và phòng ngừa tổn thương thận thêm nữa.

Do đó các phương thức điều trị bao gồm:

  • Corticoid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác đối với hội chứng thận hư nguyên phát.
  • Loại bỏ dịch dư thừa bằng thuốc lợi tiểu
  • Kiểm soát huyết áp
  • Giảm mỡ máu
  • Phòng ngừa huyết khối
  • Giảm tiểu đạm

Song song với đó, bệnh nhân hội chứng thận hư cần tuân thủ chế độ ăn đặc biệt:

  • Chất đạm: lượng đạm ăn tuỳ thuộc tình trạng chức năng thận, nên ăn đạm với lượng vừa phải.
  • Muối: chế độ ăn ít muối để kiểm soát tình trạng phù và huyết áp.
  • Giảm lượng chất béo và cholesterol trong chế độ ăn uống để giúp kiểm soát mức cholesterol trong máu.
  • Ăn thêm lòng trắng trứng để bổ sung albumin.
  • Hạn chế thực phẩm làm tăng lượng đường trong máu khi dùng thuốc có thể dẫn đến tăng cân.

Phòng ngừa hội chứng thận hư

Cách duy nhất để phòng ngừa hội chứng thận hư là kiểm soát tốt những bệnh lý có thể gây ra nó. Nếu đang có bệnh lý có thể gây tổn thương thận, bạn nên được theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa để phòng ngừa tổn thương thận nặng thêm. Bạn nên dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ, tránh tự ý thay đổi liều lượng và hạn chế sử dụng một số loại thuốc gây độc thận, đặc biệt là thuốc giảm đau non-steroid.

 Theo : Bs. CKI Võ Thị Ngọt - Khoa Nội BV Gia An 115