Tim mạch

 

1. Tổng quan

Tim và các mạch máu của cơ thể được ví như máy bơm nước và hệ thống ống dẫn nước của một ngôi nhà. Chức năng chính của tim là bơm máu lên phổi để trao đổi, bổ sung oxy và bơm máu đến các bộ phận khác để nuôi dưỡng cơ thể.

Tim được cấu tạo bởi khối cơ tim, chia ra thành 4 buồng tim và có chức năng co bóp để tống đẩy máu vào các mạch máu. Cơ tim cũng là một mô sống nên chúng cũng cần máu nuôi dưỡng qua hệ thống mạch vành tim hay còn gọi là động mạch vành. Bệnh mạch vành là thuật ngữ dùng để mô tả những tổn thương của hệ thống mạch máu nuôi dưỡng cơ tim, bệnh mạch vành là căn nguyên gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Cơ chế bệnh sinh chính của bệnh mạch vành là xơ vữa động mạch vành dẫn tới tắc động mạch vành.

Kỹ thuật chụp, nong và đặt stent động mạch vành tại Bệnh viện Gia An 115 có gì đặc biệt ????

Khi người bệnh gắng sức, nhu cầu năng lượng cho hoạt động gắng sức này sẽ tăng lên. Vì vậy, để “phục vụ” cho hoạt động gắng sức này, tim phải làm việc nhiều hơn. Khi đó, động mạch vành tim phải cung cấp nhiều máu hơn cho cơ tim. Nếu động mạch vành bị hẹp thì lượng máu sẽ không thể cung cấp đủ cho cơ tim. Lúc này cơn đau thắt ngực sẽ xuất hiện. Nếu người bệnh đau ngực khi gắng sức và giảm đi khi nghỉ ngơi, thì gọi là cơn đau thắt ngực ổn định. Nếu các mảng xơ vữa trong lòng động mạch vành bị nứt hay bị vỡ, cơn đau thắt ngực sẽ kéo dài hơn bình thường, và xảy ra cả khi gắng sức lẫn khi nghỉ ngơi, đó là cơn đau thắt ngực không ổn định. Nếu huyết khối (cục máu đông) hình thành gây tắc hoàn toàn động mạch vành thì người bệnh bị nhồi máu cơ tim.

2. Nguồn gốc

Kể từ khi được phát minh vào năm 1977 bởi Andreas Gruentzig - một bác sĩ X quang và bác sĩ tim mạch người Đức - kỹ thuật chụp nong bóng và sau này là đặt stent động mạch vành đã giải quyết được những vấn đề của bệnh mạch vành, cứu sống rất nhiều người bệnh mắc bệnh mạch vành.

Chụp động mạch vành giúp đánh giá những tổn thương của hệ thống mạch vành. Bác sĩ sử dụng các ống thông chuyên dụng, đi từ các động mạch lớn của cơ thể như động mạch quay ở cổ tay hoặc động mạch bẹn, luồn ống thông vào đến động mạch vành tim và bơm thuốc cản quang vào trong lòng động mạch vành. Lúc này, hình ảnh của hệ thống động mạch vành sẽ được hiển thị trên màn hình. Những hình ảnh này giúp đánh giá được những tổn thương của hệ thống mạch vành bao gồm: hẹp, tắc động mạch, bóc tách, huyết khối...

 

Hệ thống phòng mổ Hybrid hiện đại tại Bệnh viện Gia An 115 cho phép thực hiện chụp và can thiệp đặt stent động mạch vành, tăng chất lượng ca mổ, giảm rủi ro và nguy cơ nhiễm khuẩn

Trong khi chụp động mạch vành, nếu có chỉ định bác sĩ sẽ tiến hành đặt một dụng cụ nong vào mạch vành gọi là stent. Có 2 loại stent là stent phủ thuốc và stent không phủ thuốc. Nhờ vào tiến bộ khoa học, sự phát triển của loại stent phủ thuốc có tác dụng làm giảm nguy cơ mảng xơ vữa phát triển trở lại sau một thời gian. Các mắc lưới trên stent sẽ được phủ thuốc lên. Sau khi stent được đưa vào trong lòng động mạch vành, thuốc sẽ dần dần được phóng thích vào thành mạch trong khoảng vài tuần hoặc vài tháng.

Khi động mạch vành bị tắc chỉ được điều trị với nong bằng bóng đơn thuần, khoảng 30% có nguy cơ của hẹp tái phát gây ra triệu chứng đau thắt ngực tái phát. Nếu đặt stent, nguy cơ này sẽ giảm xuống còn khoảng 10%. Nếu đặt stent phủ thuốc thì nguy cơ tái hẹp động mạch chỉ còn ≤ 5%. Bác sĩ làm thủ thuật sẽ tư vấn cho người nhà của bệnh nhân nên đặt stent thường không phủ thuốc hay đặt stent phủ thuốc tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

3. Chụp, nong và đặt stent động mạch vành là gì?

Can thiệp động mạch vành qua da là sử dụng ống thông (catheter) luồn dây dẫn qua tổn thương rồi sau đó đưa bóng và stent lên để nong rộng chỗ hẹp hoặc tắc, đặt stent để lưu thông lòng mạch. Can thiệp động mạch vành có thể cũng đi kèm với các thủ thuật khác như hút huyết khối, khoan phá mảng xơ vữa... Khác với phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành cần mở lồng ngực, can thiệp động mạch vành có thể thực hiện bằng cách chỉ cần mở một lỗ nhỏ trên da để đưa ống thông vào động mạch ở bẹn, khuỷu tay hoặc cổ tay.

Bệnh nhân sẽ được gây tê tại vùng chọc do đó thủ thuật này không gây đau hơn một lần lấy máu làm xét nghiệm. Bệnh nhân vẫn luôn tỉnh táo trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật. Thời gian thực hiện thủ thuật thường được tiến hành trong vòng 1 giờ và phần lớn bệnh nhân có thể về nhà sau 1 đến 2 ngày tính từ khi kết thúc thủ thuật.

4. Khi nào người bệnh được chỉ định chụp, nong và đặt stent động mạch vành?

  • Đau thắt ngực ổn định và các thăm dò không xâm lấn như chụp tính điểm vôi hóa mạch vành, chụp mạch vành cản quang, siêu âm tim… thấy nguy cơ cao có vùng thiếu máu cơ tim rộng hoặc nghi ngờ động mạch vành bị hẹp, hoặc không khống chế được cơn đau dù đã điều trị nội khoa tối ưu.
  • Đau thắt ngực ổn định, có bằng chứng của tình trạng thiếu máu cơ tim (nghiệm pháp gắng sức dương tính hoặc xạ hình tưới máu cơ tim dương tính) và tổn thương ở động mạch vành cấp máu cho một vùng lớn cơ tim.
  • Đau thắt ngực không ổn định/nhồi máu cơ tim cấp không có ST chênh lên mà phân tầng nguy cơ cao.
  • Nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên.
  • Đau thắt ngực xuất hiện sau khi phẫu thuật làm cầu nối chủ vành hoặc sau can thiệp động mạch vành.
  • Suy tim không rõ nguyên nhân.
  • Kiểm tra mạch vành ở người có các rối loạn nhịp nguy hiểm như block nhĩ thất, nhịp nhanh thất.
  • Chụp động mạch vành kiểm tra trước phẫu thuật tim, mạch máu lớn ở những người trung niên và cao tuổi (nam trên 45 tuổi, nữ trên 50  tuổi).
  • Chụp động mạch vành kiểm tra trước phẫu thuật ở những vị trí ngoài tim ở những người bệnh có nghi ngờ bệnh mạch vành.
  • Có triệu chứng của tái hẹp mạch vành sau can thiệp động mạch vành qua da…

5. Chống chỉ định chụp, nong và đặt stent động mạch vành:

  • Tổn thương không thích hợp cho can thiệp (ví dụ: tổn thương nặng lan tỏa, tổn thương nhiều thân mạch vành, tổn thương đoạn xa...).
  • Tổn thương mạch vành có nguy cơ cao dẫn đến tử vong nếu động mạch vành đó bị tắc lại trong quá trình can thiệp.
  • Thể tạng dễ chảy máu nặng (số lượng tiểu cầu thấp, rối loạn đông máu…)
  • Người bệnh không tuân thủ điều trị trước và sau khi làm thủ thuật can thiệp.
  • Tái hẹp nhiều vị trí sau khi can thiệp.
  • Người bệnh đang nhiễm khuẩn nặng.
  • Người bệnh có tiền sử sốc phản vệ với thuốc cản quang.
  • Người bệnh suy thận nặng, suy tim mất bù.
  • Tăng huyết áp không khống chế được.
  • Người bệnh đang có rối loạn điện giải.

Lưu ý: nhiều người bệnh có chống chỉ định tương đối, nhưng can thiệp mạch vành qua da lại là lựa chọn điều trị duy nhất của họ.

- Trước khi chụp, nong và đặt stent động mạch vành bệnh nhân được bác sĩ giải thích kỹ về thủ thuật và đồng ý làm thủ thuật. Mặt khác, bác sĩ tham khảo đầy đủ bệnh sử, tình trạng rối loạn đông máu, dị ứng thuốc và sức khỏe bệnh nhân trước khi can thiệp. 

- Sau can thiệp, bệnh nhân được nghỉ ngơi và theo dõi tại bệnh viện đến khi có thông báo xuất viện.