Biến chứng tiểu đường – kẻ giết người thầm lặng

 

Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á có tỷ lệ mắc tiểu đường cao. Khi đường huyết tăng cao kéo dài, cơ thể sẽ bị mất cân bằng về chuyển hóa. Hậu quả là, biến chứng tiểu đường xảy ra. Các biến chứng có thể ảnh hưởng đến chất lượng sống, thậm chí đe dọa tính mạng. Tiểu đường là nguyên nhân thứ ba gây tử vong ở Việt Nam.

Biến chứng mạn tính

Mối nguy hiểm đầu tiên phải kể đến chính là biến chứng tiểu đường mạn tính. Đây là những biến chứng sinh ra do lượng đường trong máu tăng cao kéo dài, cơ thể bị rối loạn chuyển hóa chất đường, chất đạm và chất béo, từ đó làm suy giảm chức năng của các cơ quan khác trong cơ thể. Bao gồm:

  • Biến chứng mắt

Bệnh tiểu đường sẽ khiến người bệnh bị mỏi và mờ mắt, xuất hiện nhiều đốm đen lởn vởn trước mắt, nhìn mọi vật không sắc nét. Nặng hơn là xuất tiết, xuất huyết đáy mắt, gây bong võng mạc mắt và mù vĩnh viễn.

 

Biến chứng tiểu đường có thể gây mù vĩnh viễn (Ảnh minh họa internet)

 

  • Tim mạch

Là một trong những biến chứng tiểu đường nguy hiểm nhất bởi nó thường tiến triển rất âm thầm, đến khi có triệu chứng (đau thắt ngực, khó thở, mệt mỏi, hồi hộp…) thì bệnh đã nặng. Có đến 65% trường hợp tử vong do nhồi máu cơ tim, đột quỵ ở người tiểu đường lâu năm xuất phát từ nguyên nhân này.

Tim mạch là biến chứng tiểu đường vô cùng nguy hiểm (Ảnh minh họa internet)

  • Thần kinh

Biến chứng thần kinh bao gồm biến chứng thần kinh ngoại biên (tê bì chân tay, nóng rát, kiến bò trên da…) và biến chứng thần kinh tự chủ (nhịp tim nhanh khi nghỉ, bị táo bón, tiêu chảy đan xen…), biến chứng dây thần kinh đơn độc như lé mắt, tê một vùng cơ thể…. Biến chứng tiểu đường này làm tăng nguy cơ tàn phế do gây biến dạng bàn chân, loét chi và hoại tử chi.

 

Biến chứng thần kinh sẽ tăng nguy cơ tàn phế (Ảnh minh họa internet)

  • Thận

Nếu không được điều trị hiệu quả, bệnh tiểu đường có thể dẫn đến suy thận nặng và không thể chữa khỏi. Trong giai đoạn đầu, biến chứng về thận thường khó nhận biết. Bạn có thể thấy cơ thể mệt mỏi, tiểu đêm nhiều, nước tiểu sủi bọt có mùi hôi hoặc màu vàng đậm, cần sớm làm xét nghiệm nước tiểu tìm vi đạm niệu để xác định có biến chứng thận hay không. Tại Bệnh viện Gia An 115, bác sĩ chuyên khoa nội tiết sẽ cho bạn xét nghiệm tìm biến chứng sớm của bệnh thận tiểu đường.

Biến chứng cấp tính

Trái lại với biến chứng tiểu đường mạn tính, biến chứng tiểu đường cấp tính xảy ra đột ngột và sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc nếu không được điều trị kịp thời.

 

Hạ đường huyết đột ngột là một trong những biến chứng tiểu đường hay gặp (Ảnh minh họa internet)

  • Hôn mê tăng đường huyết

Đường huyết quá cao nhưng không được xử lý kịp thời sẽ dẫn tới tình trạng hôn mê. Khi gặp biến chứng tiểu đường này, bệnh nhân có thể bị nguy hiểm tính mạng, do đó nên được đưa vào bệnh viện ngay lập tức để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

 

Hôn mê do tiểu đường gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng (Ảnh minh họa internet)

  • Hạ đường huyết

Dấu hiệu hạ đường huyết khá dễ nhận biết, ví dụ như đói cồn cào, cơ thể uể oải mệt mỏi, chân tay bủn rủn, vã mồ hôi, choáng váng và tim đập nhanh. Một số nguyên nhân khiến đường huyết giảm đột ngột như:

  • Bạn bị quá liều thuốc hạ đường huyết (thuốc uống hoặc tiêm insulin).
  • Ăn kiêng quá mức hoặc uống thuốc khi chưa ăn.
  • Tập luyện quá sức dẫn đến mệt mỏi.
  • Sử dụng nhiều chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá...
  • Biến chứng nhiễm trùng

Người tiểu đường dễ bị mắc các biến chứng nhiễm trùng. Biến chứng nhiễm trùng ở người tiểu đường như viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng chân thường xuyên xảy ra và khó điều trị hơn so với những người không mắc bệnh tiểu đường. Biến chứng nhiễm trùng nếu không khống chế được sẽ nguy hiểm đến mạng sống.

 

Biến chứng thời kỳ mang thai

Tiểu đường thai kỳ là tình trạng rất phổ biến ở phụ nữ mang thai. Theo thống kê, cứ 7 người phụ nữ mang thai thì sẽ có 1 người mắc tiểu đường thai kỳ. Không chỉ ảnh hưởng đến mẹ, biến chứng tiểu đường thai kỳ có thể ảnh hưởng trực tiếp tới thai nhi nếu không được điều trị đúng cách. Cụ thể:

  • Sảy thai, thai chết lưu không rõ nguyên nhân, tử vong chu sinh vào khoảng 68%.
  • Dị tật bẩm sinh chiếm tới 50%.
  • Các biến chứng tiểu đường thai kỳ khác như suy hô hấp, hạ đường huyết, hạ canxi máu, chứng hồng cầu và tăng bilirubine máu.
  • Thai nhi phát triển quá to (>= 4 kg).
  • Gia tăng tần suất trẻ béo phì. Khi lớn, trẻ sớm bị mắc bệnh tiểu đường, rối loạn tâm thần vận động. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ tiểu đường tăng gấp 8 lần khi đến 19-27 tuổi.

 

Tiểu đường thai kỳ gây nguy hiểm cho thai nhi (Ảnh minh họa internet)

Biện pháp phòng ngừa biến chứng tiểu đường

Biến chứng tiểu đường vô cùng nguy hiểm nhưng bạn có thể phòng tránh chúng bằng cách thực hiện đúng theo những điều sau:

  • Kiểm soát chỉ số HbA1C

 HbA1c là chỉ số mô tả lượng đường liên kết với Hemoglobin - một loại protein trong tế bào hồng cầu. Chỉ số này tỷ lệ thuận với tổng lượng đường trong máu. HbA1c là một bức tranh tổng quát về việc kiểm soát đường huyết trong 2-3 tháng đã qua.

Theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ, chỉ cần tăng 1% HbA1c, nguy cơ đột quỵ sẽ tăng 38%, nguy cơ biến chứng mạch máu (bệnh võng mạc, bệnh thận, loét bàn chân…) tăng 40%. Ngược lại, nếu giảm được HbA1c, sẽ giảm được nguy cơ biến chứng.

  • Chú ý chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ giúp bạn giảm tối thiểu những biến chứng tiểu đường nguy hiểm. “Kiểm soát lượng đường trong máu” là điều mà bệnh nhân tiểu đường luôn cần ghi nhớ trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày.

Tham khảo thêm tại: “Bị bệnh tiểu đường nên ăn gì để ngăn ngừa biến chứng gây tử vong”

 

Chế độ ăn uống khoa học giúp bạn hạn chế biến chứng tiểu đường (Ảnh minh họa internet)

 

Khám tầm soát tiểu đường tại Bệnh viện Gia An 115 sẽ giúp bệnh nhân giảm những biến chứng tiểu đường nguy hiểm. Được thực hiện bởi đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa hàng đầu và thiết bị công nghệ hiện đại, việc khám tầm soát tiểu đường sẽ giúp bạn cập nhật tình trạng sức khỏe của bản thân và có những biện pháp can thiệp kịp thời.


TIN LIÊN QUAN