Chẩn đoán và phân loại đái tháo đường

 

Đái tháo đường (tiểu đường) “Là một rối loạn mạn tính, có những thuộc tính sau: (1) tăng đường máu, (2) kết hợp với những bất thường về chuyển hóa chất đường, chất béo và chất đạm, (3) bệnh luôn gắn liền với xu hướng phát triển các bệnh lý về thận, đáy mắt, thần kinh và các bệnh tim mạch do hậu quả của xơ vữa động mạch”.

Phân loại đái tháo đường

Theo phân loại đơn giản, đái tháo đường được chia thành các loại:

Đái tháo đường típ 1: “Là hậu quả của quá trình huỷ hoại các tế bào beta của đảo tuỵ. Do đó cần phải sử dụng insulin ngoại lai để duy trì chuyển hoá, ngăn ngừa tình trạng nhiễm toan ceton có thể gây hôn mê và tử vong”.

Đái tháo đường típ 2: do giảm khả năng sản xuất insulin kết hợp đề kháng insulin.

Đái tháo đường thai kỳ: được chẩn đoán trong tháng thứ hai hoặc thứ ba của thai kỳ mà không rõ tiền căn đái tháo đường trước đây.

Các thể đặc biệt khác:

  • Đái tháo đường sơ sinh, đái tháo đường khởi phát sớm trước tuổi trưởng thành.
  • Bệnh tuyến tụy ngoại tiết (như xơ nang và viêm tụy).
  • Đái tháo đường do thuốc (như glucocorticoid, thuốc điều trị HIV/AIDS, thuốc sau khi ghép tạng).

Nguyên nhân - cơ chế sinh bệnh

Nguyên nhân đái tháo đường típ 1 chưa hoàn toàn được hiểu rõ, vẫn còn đang được nghiên cứu thêm. Các nghiên cứu cho thấy quá trình hủy hoại tế bào bê-ta tụy do nguyên nhân tự miễn, dẫn đến mất hoàn toàn khả năng sản xuất insulin. Theo thống kê, đột biến ở hơn 50 loại gen khác nhau có thể gây ra bệnh tiểu đường típ 1.

Nguyên nhân đái tháo đường típ 2: Đặc điểm quan trọng nhất trong sinh lý bệnh của đái tháo đường típ 2 là có sự tương tác giữa yếu tố gen và yếu tố môi trường.

- Yếu tố di truyền.

- Yếu tố môi trường: là nhóm các yếu tố có thể can thiệp để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh. Các yếu tố đó là:

+ Sự thay đổi lối sống: giảm các hoạt động thể lực; thay đổi chế độ ăn uống theo hướng tăng tinh bột, giảm chất xơ gây dư thừa năng lượng.

+ Chất lượng thực phẩm: ăn nhiều các loại carbohydrat hấp thu nhanh (đường tinh chất, bánh ngọt, kẹo…), chất béo bão hòa, chất béo trans…

+ Các stress về tâm lý.

- Tuổi thọ ngày càng tăng, nguy cơ mắc bệnh càng cao: Đây là yếu tố không thể can thiệp được.

Phương pháp chẩn đoán đái tháo đường

Chẩn đoán xác định đái tháo đường

Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh đái tháo đường - theo WHO, IDF - dựa vào một trong các tiêu chí:

- Mức đường huyết tương lúc đói ≥7,0mmol/l (≥126mg/dl). Hoặc:

- Mức đường huyết tương ≥ 11,1 mmol/l (200mg/dl) ở thời điểm 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp đường bằng đường uống. Hoặc:

- HbA1c ≥ 6,5% (48 mmol/mol theo Liên đoàn Sinh hóa Lâm sàng Quốc tế-IFCC). Hoặc:

- Có các triệu chứng của đái tháo đường (lâm sàng); mức đường huyết tương ở thời điểm bất kỳ ≥ 11,1 mmol/l (200mg/dl).

Những điểm cần lưu ý:

+ Nếu chẩn đoán dựa vào đường huyết tương lúc đói và/hoặc nghiệm pháp dung nạp đường bằng đường uống, thì phải làm 2 lần vào hai ngày khác nhau.

+ Có những trường hợp được chẩn đoán là đái tháo đường nhưng lại có đường huyết tương lúc đói bình thường. Trường hợp này phải ghi rõ chẩn đoán bằng phương pháp nào.

+ Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường dựa trên HbA1c chưa được áp dụng tại Việt Nam do chưa được định chuẩn.

Chẩn đoán tiền đái tháo đường (Prediabetes)

- Rối loạn dung nạp đường (IGT): nếu đường huyết tương ở thời điểm 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp đường máu bằng đường uống từ 7,8mmol/l (140mg/dl) đến 11,0 mmol/l (200mg/dl).

- Rối loạn đường máu lúc đói (IFG): nếu đường huyết tương lúc đói (sau ăn 8 giờ) từ 5,6 mmol/l (100mg/dl) đến 6,9 mmol/l (125mg/dl); và đường huyết tương ở thời điểm 2 giờ của nghiệm pháp dung nạp đường dưới 7,8mmol/l (< 140 mg/dl).

- Mức HbA1c từ 5,6% đến 6,4%.

Những đối tượng có yếu tố nguy cơ để sàng lọc bệnh đái tháo đường típ 2:

- Tuổi trên 45.

- BMI trên 23.

- Huyết áp tâm thu ≥ 140 và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 85 mmHg.

- Trong gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường ở thế hệ cận kề (bố, mẹ, anh, chị em ruột, con ruột bị mắc bệnh đái tháo đường típ 2).

- Tiền sử được chẩn đoán mắc hội chứng chuyển hóa, tiền đái tháo đường.

- Phụ nữ có tiền sử thai sản đặc biệt (đái tháo đường thai kỳ, sinh con to-nặng trên 4000 gam, xảy thai tự nhiên nhiều lần, thai chết lưu…)

- Người có rối loạn lipid máu; đặc biệt khi HDL-c dưới 0,9 mmol/l và Triglycrid trên 2,2 mmol/l.

Chẩn đoán đái tháo đường là chẩn đoán quan trọng cần được thực hiện tại cơ sở y tế bằng cách xét nghiệm máu tĩnh mạch theo đúng quy trình và hướng dẫn của ngành y tế. Người bệnh không nên chẩn đoán đái tháo đường chỉ bằng xét nghiệm test nhanh (máu mao mạch). Việc chẩn đoán sai có thể dẫn đến điều trị quá mức gây hậu tụt đường huyết và nhiều hệ lụy khác. Việc phân loại đái tháo đường là cần thiết để từ đó xây dựng phác đồ điều trị thích hợp cho người bệnh, giúp kiểm soát tốt đường huyết và ngăn ngừa biến chứng.

Người được chẩn đoán tiền đái tháo đường cũng có nguy cơ biến chứng tim mạch như người đái tháo đường dù tỉ lệ này thấp hơn. Do đó, người tiền đái tháo đường cũng cần có sự theo dõi hướng dẫn về y tế nhằm đánh giá và ngăn chặn biến chứng, phòng ngừa và làm chậm diễn tiến mắc đái tháo đường trong tương lai.

CKII. Trương Thị Vành Khuyên

Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Gia An 115

 

 


TIN LIÊN QUAN