Hẹp động mạch cảnh: Khó phát hiện, dễ tai biến

Bệnh thường gặp, khó nhận biết, dễ gây tai biến

Động mạch cảnh là động mạch nằm ở hai bên cổ, có nhiệm vụ đưa máu từ tim lên não và là động mạch lớn nhất cung cấp máu cho não. Vì thế, khi động mạch cảnh bị hẹp, tắc, sẽ dẫn đến lưu lượng máu nuôi não bị giảm nặng hoặc gián đoạn, gây ra các cơn thiếu máu não thoáng qua hoặc đột quỵ nhồi máu não.

Vùng não bị thiếu máu nuôi sẽ bị thiếu oxy và dinh dưỡng, tế bào não sẽ chết chỉ trong vòng vài phút. Nếu không được xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong hoặc phải chịu những di chứng nặng nề về rối loạn vận động, nhận thức, ngôn ngữ, thị giác... sau khi sống sót.

Theo chia sẻ của BS.CK2 Dương Duy Trang, trong hơn 15 năm gắn bó với Tim mạch can thiệp, ông đã gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ do tắc, hẹp động mạch cảnh nhưng trước đó không hề hay biết mình mắc bệnh. Khi đột quỵ xảy ra thì việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn. Thực tế, nhiều bệnh nhân đột quỵ do hẹp động mạch cảnh phải chịu cảnh tàn phế suốt đời.

BS Trang cho biết thêm, bệnh nhân bị hẹp động mạch cảnh < 50% thường chưa có biểu hiện lâm sàng. Trường hợp hẹp nặng hơn nhưng chưa đột quỵ thì các triệu chứng cũng thường mơ hồ và không đặc hiệu, dễ bị bỏ qua. Trong khi đó, nguy cơ xảy ra đột quỵ rất cao.

Chẳng hạn, mới đây, tại Bệnh viện Gia An 115, BS Dương Duy Trang đã thực hiện can thiệp đặt stent động mạch cảnh cho một bệnh nhân bị hẹp động mạch cảnh đến 90%. Bệnh nhân là ông N.V.T (sinh năm 1952, ngụ Cái Bè, Tiền Giang), đến viện khám do chóng mặt và choáng váng. Do có tiền sử bị tăng huyết áp và đái tháo đường nên bệnh nhân không hề nghĩ mình bị hẹp động mạch. Tuy nhiên, kết quả siêu âm động mạch và chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) cho thấy động mạch cảnh trong bên trái của bệnh nhân hẹp nặng đến 90%.

Bệnh nhân được chỉ định thực hiện đặt stent ngay để tránh đột quỵ cấp tính. Ngay sau khi thực hiện đặt stent động mạch bệnh nhân hết choáng váng và 2 ngày sau bệnh nhân đã được xuất viện.

BS Trang đánh giá, khi động mạch hẹp nặng, nguy cơ đột quỵ rất lớn, nhưng rất ít người may mắn được phát hiện, xử trí sớm, ngăn chặn trước cơn đột quỵ như trường hợp bệnh nhân này.

Hình ảnh trước và sau đặt stent cho bệnh nhân N.V.T

Tầm soát, phát hiện sớm đóng vai trò then chốt

Vì hẹp động mạch cảnh ít có biểu hiện đặc hiệu cảnh báo nên việc tầm soát để phát hiện sớm bệnh đóng vai trò then chốt, từ đó theo dõi và có chiến lược điều trị, can thiệp hiệu quả, phòng ngừa đột quỵ.

BS.CK2 Dương Duy Trang đang tiến hành can thiệp cho bệnh nhân

 

Theo BS Trang, việc khám sức khỏe định kỳ, tầm soát các bệnh lý tim mạch là cần thiết với mỗi người để dự phòng bệnh. Điều này càng cần thiết hơn với những người có các yếu tố nguy cơ cao.

Theo đó, những người trên 50 tuổi, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, đái tháo đường, béo phì, người có lối sống ít vận động… dù không có triệu chứng vẫn cần thường xuyên khám định kỳ và tầm soát bệnh tim mạch.

Với những bệnh nhân hẹp động mạch cảnh đột nhiên xuất hiện triệu chứng như méo miệng, liệt nửa người hoặc chỉ một bên tay/chân, khó nói hoặc không nói được, mất thị lực một bên, rối loạn thăng bằng… phải cấp cứu ngay tại các bệnh viện, cơ sở điều trị đột quỵ chuyên khoa có can thiệp mạch để bác sĩ chẩn đoán và chỉ định điều trị phù hợp.

BS Duy Trang theo dõi hình ảnh tình trạng mạch máu người bệnh

 

Ngoài ra, BS Trang chia sẻ thêm, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhiều người dân lo lắng không dám đến các cơ sở y tế khám, chữa bệnh. Đặc biệt, không ít bệnh nhân lớn tuổi, khi nghe thông tin nhiều ca COVID-19 là người cao tuổi có nhiều bệnh lý nền kèm theo, vì lo sợ nên đã trì hoãn tới bệnh viện dù bản thân bị bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch... Điều này có thể làm gia tăng nguy cơ gặp phải biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ...

Do đó, bệnh nhân cần cân nhắc lựa chọn cơ sở y tế uy tín, có khu vực cách ly an toàn và quy trình phân lọc bệnh chuẩn để thăm khám nếu đang có vấn đề về bệnh lý cần theo dõi.


TIN LIÊN QUAN