Cứu sống người bệnh bị sốc nhiễm trùng đường mật bằng nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP)

 

Có các triệu chứng đau bụng, sốt cao, sốt lạnh từng cơn nhưng tự mua thuốc uống thay vì đi khám, một người đàn ông 63 tuổi đã suýt nguy hiểm tính mạng vì sốc nhiễm trùng đường mật do sỏi kẹt ống mật chủ và sỏi túi mật.

kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP)

Kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) lấy sỏi đường mật

Ca phẫu thuật cấp cứu nhiều yếu tố nguy cơ

Chia sẻ từ chuyên gia mật tụy, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thế Toàn – Phó Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Gia An 115 (thuộc Tập đoàn Hoa Lâm, Khu Y tế Kỹ thuật cao Hoa Lâm Shangri-la, Q. Bình Tân, TP.HCM), Bệnh viện Gia An 115 vừa phẫu thuật cấp cứu và điều trị thành công một ca bệnh sốc nhiễm trùng đường mật do sỏi kẹt ống mật chủ và sỏi túi mật. Bệnh nhân là ông T.X.Đ (sinh năm 1958, ngụ P. An Lạc A, Q. Bình Tân, TP.HCM), nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốt, lơ mơ, lừ đừ huyết áp tụt. Người nhà người bệnh cho biết, trước khi nhập viện 3 ngày, bệnh nhân bị đau bụng vùng thượng vị và quặn từng cơn trên nền âm ỉ, một ngày sau đó bắt đầu sốt lạnh run 3 cơn/ngày, sốt cao 39-40 độ. Do e ngại dịch bệnh Covid-19 nên gia đình đã tự mua thuốc cho ông uống tại nhà, tuy nhiên tình trạng đau bụng và sốt từng cơn không giảm, ông mệt nhiều hơn. Người bệnh có tiền sử đái tháo đường type 2, viêm gan siêu vi B, ung thư gan, đã từng phẫu thuật cắt gan và đã thực hiện nút mạch hóa dầu động mạch gan (TOCE) 3-4 lần, lần gần nhất trước đó 2 tuần.

kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP)

ThS. BS. Nguyễn Thế Toàn - Kiểm tra sức khỏe người bệnh sau một tuần xuất viện

Tại Bệnh viện Gia An 115, người bệnh nhanh chóng được thực hiện các cận lâm sàng cần thiết song song với lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Kết quả cắt lớp vi tính (CT-scan) ổ bụng cản quang cho thấy người bệnh có sỏi đoạn cuối ống mật chủ kích thước 8-10mm, sỏi túi mật, trong khi các chỉ số xét nghiệm sinh hóa ALT, AST, Bilirubin tăng rất cao, Albumin giảm thấp. Nhận định người bệnh đang bị sốc nhiễm trùng đường mật do sỏi ống mật chủ và sỏi túi mật, ThS. BS. Nguyễn Thế Toàn đưa ra chỉ định can thiệp cấp cứu nội soi mật tụy ngược dòng lấy sỏi đường mật tụy. Bởi vì, sốc nhiễm trùng đường mật là một biến chứng nguy hiểm, người bệnh phải được cấp cứu giải áp đường mật càng sớm càng tốt, nếu không được can thiệp kịp thời thì tỷ lệ tử vong có thể lên đến 37%.

kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP)

Ảnh CT-scan sỏi ống mật chủ trước và sau can thiệp

Chuyên gia mật tụy, ThS. BS. Nguyễn Thế Toàn cho biết, trong gần 20 năm làm việc, bác sĩ đã thực hiện kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) cho hơn 10.000 trường hợp, trong đó có nhiều cuộc phẫu thuật phức tạp như phải kết hợp nội soi cắt túi mật và nội soi mật tụy ngược dòng lấy sỏi ống mật chủ, và nhiều trường hợp bệnh nhân có suy thận, rối loạn đông máu, tụt huyết áp… nhưng với ca bệnh T.X.Đ, ê-kip vẫn phải vô cùng thận trọng vì đây là cuộc phẫu thuật cấp cứu có nhiều yếu tố nguy cơ, do người bệnh đã lớn tuổi, nhiều bệnh lý nền, thể trạng yếu và tình trạng sốc nhiễm trùng khá nặng. Tuy nhiên, với kinh nghiệm và sự tập trung cao độ, sau khoảng một giờ, ca nội soi mật tụy ngược dòng để cắt cơ vòng Oddi lấy sỏi đường mật tuỵ đã diễn ra thành công. Người bệnh được theo dõi hậu phẫu và đã được xuất viện sau đó 7 ngày trong tình trạng ổn định, ăn uống tốt.

kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP)

ThS. BS. Nguyễn Thế Toàn - Thực hiện can thiệp ERCP trên người bệnh

Nhiễm trùng đường mật - biến chứng nguy hiểm dễ bị nhầm lẫn

Theo ThS. BS. Nguyễn Thế Toàn, nhiễm trùng đường mật là tình trạng đường mật bị viêm do vi khuẩn, thường xảy ra với người bệnh bị tắc nghẽn đường mật do sỏi, u, chít hẹp cơ Oddi, ký sinh trùng (giun)... Đây là tình trạng nguy hiểm vì có thể có thể gây suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn huyết, dẫn đến tử vong. Triệu chứng điển hình của nhiễm trùng đường mật là sốt, đau bụng, có vàng da khi Bilirubin trong máu tăng cao, ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng khác như buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, ăn không tiêu, đầy hơi chướng bụng... Do các triệu chứng này khá giống với nhiều bệnh lý khác ở đường tiêu hóa nên không ít người bệnh nhầm lẫn, chủ quan không đi khám. Việc chẩn đoán nhiễm trùng đường mật cũng sẽ gặp khó khăn nếu người bệnh chỉ trao đổi qua điện thoại. Trong khi đó, nếu để nhiễm trùng đường mật dẫn đến sốc nhiễm khuẩn mà không được phát hiện và điều trị kịp thời, rủi ro cho người bệnh sẽ rất cao. Do đó, việc đi khám trực tiếp tại cơ sở y tế là cần thiết để tránh các rủi ro này.

ThS. BS. Nguyễn Thế Toàn - Thực hiện can thiệp ERCP trên người bệnh

ThS. BS. Nguyễn Thế Toàn - Thăm khám người bệnh tại khoa

BS. Trương Vĩnh Long – Giám đốc Bệnh viện Gia An 115 – cho biết, từ tháng 8/2021, Bệnh viện Gia An 115 đã thực hiện chuyển đổi công năng một phần (theo mô hình bệnh viện tách đôi). Bệnh viện được chia thành hai khu vực riêng biệt: khu vực khám chữa bệnh thông thường cho những người bệnh không mắc Covid-19 hoạt động song song với Trung tâm điều trị Covid-19. Bệnh viện đã tiến hành phân công nhân sự thành hai nhóm hoạt động độc lập để đảm bảo cả hai nhiệm vụ là khám chữa bệnh, cấp cứu 24/7 tiếp nhận cấp cứu, điều trị bệnh nhân thông thường và tiếp nhận, điều trị người bệnh Covid-19.

Để tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, tiếp nhận người bệnh, hạn chế tối đa lây nhiễm chéo, Bệnh viện Gia An 115 đã triển khai chặt chẽ công tác phân luồng người đến khám chữa bệnh theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM. Trung tâm điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Gia An 115 có lối đi và không khí đối lưu riêng biệt nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm cho khu khám chữa bệnh thông thường. Các lối đi cũng được thực hiện khử khuẩn mỗi ngày. Ngoài ra, Bệnh viện còn thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 như vệ sinh khử khuẩn bề mặt môi trường, quản lý chất thải rắn y tế, xử lý dụng cụ, phương tiện phòng hộ cá nhân… theo quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, đảm bảo an toàn cho tất cả nhân viên, bệnh nhân ngoại trú và bệnh nhân điều trị nội trú.

 

Bệnh viện Gia An 115 là bệnh viện đa chuyên khoa, chuyên tiếp nhận cấp cứu, khám chữa bệnh Tim mạch, Thần kinh – Đột quỵ, Nội tiết, Tiêu hóa, Hô hấp, Cơ xương khớp, Chấn thương chỉnh hình, Ung bướu, Tai Mũi Họng, Răng Hàm Mặt….

Trung tâm điều trị Covid-19, Bệnh viện Gia An 115 với quy mô 250 giường, trong đó có 34 giường hồi sức cấp cứu nằm trên Tầng 8-9 của Bệnh viện, hoạt động song song với khu vực khám chữa bệnh thông thường, theo Công văn số 5506/SYT-NVY của Sở Y tế TP.HCM ngày 11/8/2021.

Địa chỉ: Số 05, Đường 17A, Khu phố 11, P. Bình Trị Đông B, Q. Bình Tân, TP. HCM

Điện thoại: Cấp cứu: (028) 62 655 115 – Tổng đài Trung tâm điều trị Covid-19: 0886 515 115

Website: www.giaan115.com


TIN LIÊN QUAN