Nội tiết

Khám và điều trị các bệnh nội tiết như: đái tháo đường (tiểu đường), tuyến giáp (bướu cổ), tuyến yên, tuyến thượng thận, các bệnh rối loạn chuyển hóa như rối loạn lipid máu, hội chứng chuyển hóa, rối loạn điện giải. 

 

Trong số các bệnh không lây nhiễm, đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 3, chỉ sau tim mạch và ung thư. Ngoài ra, bệnh nhân đái tháo đường còn có thể gặp các biến chứng nguy hiểm trên mắt, thận, các chi…


Biến chứng nguy hiểm từ đái tháo đường

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 11 người trưởng thành có 1 người mắc đái tháo đường (ĐTĐ). Thống kê của CDC Mỹ (Centers for Disease Control and Prevention - Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh) chỉ ra, cứ mỗi 10 giây, có 03 người mắc mới đái tháo đường, 01 người tử vong vì biến chứng của ĐTĐ. Trong đó, tỷ lệ biến chứng tim mạch, đột quỵ tăng gấp 2- 4 lần so với những người không mắc bệnh này. Tỷ lệ các biến chứng mắt, biến chứng thận cũng như tỷ lệ đoạn chi do ĐTD là một gánh nặng cho ngành y tế. Đặc biệt, trong số các bệnh không lây nhiễm, đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 3 sau tim mạch và ung thư.

Kết quả một nghiên cứu được thực hiện trên 4.600 người ĐTĐ mới chẩn đoán ở Ấn Độ (trong độ tuổi 41-50) cho thấy ĐTĐ đã gây biến chứng thần kinh, bệnh võng mạc, bệnh thận, tăng huyết áp, béo phì, mỡ máu cao, bệnh tim thiếu máu. Cụ thể:

  • 13,1% có biến chứng thần kinh
  • 6,1% có bệnh võng mạc
  • 6% có bệnh thận
  • 23,3% có tăng huyết áp
  • 26% bị béo phì
  • 27% mỡ máu cao
  • 6% có bệnh tim thiếu máu

Theo báo cáo của các Hiệp hội đái tháo đường thế giới, vào năm 2015, Việt Nam đã có 3,5 triệu người mắc ĐTĐ. Con số này được dự báo sẽ tăng lên thành 6,1 triệu vào năm 2040. Điều đáng ngại hơn, bệnh ĐTĐ typ 2 ngày càng xuất hiện nhiều ở người dưới 40 tuổi, ở cả trẻ em, thay vì chỉ thường xảy ra ở người trung niên và cao tuổi (trên 40 tuổi) như trước đây.

Năm 2017, Việt Nam đã tiêu tốn khoảng 765,6 triệu USD cho điều trị ĐTĐ. Theo ước tính, vẫn còn 63% bệnh nhân ĐTĐ chưa được chẩn đoán. Thậm chí, ngay những bệnh nhân được chẩn đoán bệnh, chỉ có 30% tuân thủ phác đồ điều trị, gây ra gánh nặng rất lớn cho gia đình, xã hội.

Chẩn đoán sớm sẽ giúp giảm nguy cơ biến chứng

Việc chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả bệnh ĐTĐ sẽ giúp kiểm soát bệnh, ngăn chặn và làm giảm các biến chứng nguy hiểm. Do đó, những người đang mắc bệnh, nghi ngờ mình mắc bệnh hoặc có nguy cơ cao, cần thăm khám thường xuyên và thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán sớm bệnh. Những đối tượng có nguy cơ mắc đái tháo đường là:

Người trên 45 tuổi.

Chỉ số BMI trên 23 (Cách tính BMI: cân nặng chia cho bình phương chiều cao).

Huyết áp tâm thu ≥ 140 và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 85 mmHg.

Trong gia đình có người mắc bệnh ở thế hệ cận kề (bố, mẹ, anh, chị em ruột, con ruột bị mắc bệnh ĐTĐ typ 2).

Tiền sử được chẩn đoán mắc hội chứng chuyển hóa, tiền ĐTĐ.

Phụ nữ có tiền sử thai sản đặc biệt (thai kỳ, sinh con to - nặng trên 4kg, xảy thai tự nhiên nhiều lần, thai chết lưu…).

Người có rối loạn lipid máu; đặc biệt khi HDL-c dưới 0,9 mmol/l và Triglycerid trên 2,2 mmol/l.

Lưu ý: Thói quen ăn thức ăn nhanh (fast food) như các loại mì, gà rán, burger, snack… cùng lối sống ít vận động, sử dụng thường xuyên các chất kích thích (như rượu bia), ăn uống không điều độ… là những “thủ phạm” dẫn tới bệnh ĐTĐ ở người trẻ. Do đó, thay đổi lối sống, chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện thể lực kiểm soát cân nặng… là các biện pháp hữu hiệu giúp ngăn ngừa và kiểm soát ĐTĐ typ 2.

 Theo : Bs. CKII Trương Thị Vành Khuyên - Trưởng Khoa Nội BV Gia An 115

Khu vực tiếp nhận bệnh

 

Khoa Khám bệnh gồm 60 phòng khám đa chuyên khoa
(tim mạch, thần kinh - đột quỵ, nội tiết, tiêu hóa, gan - mật - tụy, cơ xương khớp, nội/ngoại tổng quát...)

 

Phòng khám tiêu chuẩn Bệnh viện Gia An 115

 

Phòng lấy mẫu máu xét nghiệm tại Bệnh viện Gia An 115