Viêm dạ dày ruột cấp tính có thể gây phù não, suy thận

 

Viêm dạ dày ruột cấp tính là hiện tượng viêm niêm mạc ruột do nhiễm trùng gây ra. Các loại virus, vi khuẩn gây bệnh thường lây lan qua sự tiếp xúc với người bệnh, các thực phẩm hoặc do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Bệnh có thể gây các biến chứng nguy hiểm như phù não, hôn mê, suy thận…

Nguyên nhân gây viêm dạ dày ruột cấp tính

Trong các “thủ phạm” gây viêm dạ dày ruột (cúm dạ dày), virus là tác nhân thường gặp nhất. Chẳng hạn, norovirus và adenovirus là hai tác nhân thường gặp của viêm dạ dày ruột ở người lớn. Một số loại virus khác cũng có thể gây bệnh.

Vi khuẩn có thể gây viêm ruột dạ dày trực tiếp bằng cách lây nhiễm vào niêm mạc dạ dày và ruột. Các tác nhân thường gặp là vi khuẩn Campylobacter, Shigella, Clostridium difficile, Salmonella và Escherichia coli (thường viết tắt E.coli). Một số vi khuẩn như tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) tạo ra độc tố là nguyên nhân gây ra các triệu chứng. Tụ cầu vàng là một nguyên nhân phổ biến của ngộ độc thực phẩm.

Một nhóm vi sinh vật khác là kí sinh trùng và động vật nguyên sinh như Giardia, Cryptosporidium cũng gây viêm dạ dày ruột. Một người có thể bị nhiễm một trong những thứ này khi uống nước bị ô nhiễm. Bể bơi là nơi dễ tiếp xúc với các ký sinh trùng này.

 

Các nguyên nhân khác: Viêm dạ dày ruột không truyền nhiễm cho người khác có thể do độc tố hóa học, thường thấy nhất ở hải sản, dị ứng thực phẩm, kháng sinh và các loại thuốc khác.

Triệu chứng cảnh báo viêm dạ dày ruột

Mặc dù thường được gọi là cúm dạ dày, viêm dạ dày ruột cấp không có biểu hiện như cúm. Nếu như cúm chỉ ảnh hưởng đến hệ hô hấp của người bệnh thì viêm dạ dày ruột cấp sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và làm xuất hiện những triệu chứng như: tiêu chảy, phân lỏng, có thể có máu; chuột rút và đau bụng; buồn nôn, nôn; đau đầu, choáng váng, người mệt mỏi; sốt nhẹ…

Các triệu chứng thường xuất hiện từ lúc nhiễm bệnh đến 1-2 ngày sau. Chúng sẽ kéo dài ít nhất 1 tuần và đôi khi có thể lâu hơn.

Do các triệu chứng nôn mửa và tiêu chảy, những người bị viêm dạ dày ruột cấp có thể bị mất nước nhanh chóng. Nhận biết các biểu hiện mất nước này để kịp thời xử trí là điều hết sức quan trọng. Các dấu hiệu gồm có:

  • Khát nước
  • Nước tiểu có màu đậm, tiểu ít hoặc không thể tiểu dù đã quá 8 giờ đồng hồ
  • Da khô
  • Khô miệng, miệng nứt nẻ
  • Nhiệt độ cao, chóng mặt
  • Mắt trũng, má hóp
  • Ở trẻ sơ sinh, tã luôn khô (trong hơn 4-6 giờ)

Mất nước và viêm dạ dày ruột cấp có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: phù não, hôn mê, sốc giảm thể tích máu, suy thận, động kinh, co giật. Do đó, bạn cần tìm cách điều trị y tế khẩn cấp nếu:

  • Tiêu chảy kéo dài từ 3 ngày trở lên mà vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Tiêu chảy ra máu
  • Xuất hiện các biểu hiện mất nước
  • Buồn ngủ bất thường, lơ mơ, không phản ứng
  • Sốt cao từ 38 độ trở lên.
  • Bụng quặn đau

Điều trị viêm dạ dày ruột

Điều trị viêm dạ dày ruột bao gồm tự chăm sóc và các biện pháp khắc phục tại nhà nhằm mục đích giữ cho bệnh nhân tránh mất nước. Nếu bệnh nhân bị mất nước nặng, cần truyền dịch tĩnh mạch để bổ sung lượng nước đã mất. Đôi khi kháng sinh có thể được chỉ định để điều trị một số bệnh nhiễm trùng. Thuốc chống nôn có thể được sử dụng để điều trị buồn nôn và nôn. Thuốc chống tiêu chảy (để giảm tần suất và lượng tiêu chảy) đôi khi được khuyến nghị tùy thuộc nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy.

Để giúp giảm bớt các triệu chứng:

Uống nhiều nước để tránh mất nước. Bạn cần uống nhiều hơn bình thường để thay thế chất lỏng bị mất do nôn mửa và tiêu chảy. Nước là tốt nhất, nhưng bạn cũng có thể uống nước trái cây và súp. Uống paracetamol khi sốt hoặc đau nhức. Nghỉ ngơi nhiều. Nếu bạn cảm thấy thích ăn, hãy thử một lượng nhỏ thực phẩm đơn giản, chẳng hạn như súp, gạo, mì ống và bánh mì. Sử dụng đồ uống bù nước đặc biệt mua từ các hiệu thuốc nếu bạn có dấu hiệu mất nước, chẳng hạn như khô miệng hoặc nước tiểu sẫm màu. Dùng thuốc chống nôn và thuốc chống tiêu chảy: cần hỏi dược sĩ hoặc bác sĩ để được tư vấn.

Phòng ngừa viêm dạ dày ruột cấp

Viêm dạ dày ruột cấp rất dễ lây lan nhưng bạn có thể làm giảm khả năng lây nhiễm hoặc lây truyền sang người khác. Những thói quen sinh hoạt tốt sẽ mang lại hệ miễn dịch tốt, làm giảm nguy cơ viêm dạ dày ruột cấp tấn công. Do đó, bạn nên:

  • Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch. Gel rửa tay khô đôi khi không đáp ứng đủ nhu cầu làm sạch vi khuẩn.
  • Không dùng chung đồ đạc, kể cả quần áo, khăn tắm, chén bát với cả gia đình.
  • Không ăn thực phẩm sống hoặc nấu chưa chín, không uống nước máy trực tiếp mà chưa đun sôi.
  • Rửa trái cây, rau củ quả và thịt cá thật kỹ.
  • Vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc thường xuyên.
  • Hạn chế đến nơi đông người, các nơi có không khí hoặc nguồn nước bị ô nhiễm.
  • Hỏi bác sĩ về việc tiêm vaccine cho trẻ sơ sinh để ngăn ngừa viêm dạ dày ruột cấp. Trẻ em có thể được tiêm khi được khoảng 2 tháng tuổi.
  • Cẩn thận khi đi du lịch hoặc đến nơi xa lạ.
  • Ăn uống lành mạnh, vận động rèn luyện thường xuyên để cải thiện sức khỏe hệ miễn dịch.

Viêm dạ dày ruột cấp không phải là căn bệnh xa lạ khi tỷ lệ người mắc bệnh hằng năm rất cao. Không có thuốc điều trị chính xác bệnh viêm dạ dày ruột cấp mà chỉ có thể cải thiện triệu chứng. Biện pháp tối ưu vẫn nghiêng về hướng tự chăm sóc và phòng ngừa tại nhà. Khi có các dấu hiệu mắc bệnh, bạn hãy lập tức đến gặp các bác sĩ, chuyên gia để được làm xét nghiệm và điều trị.

 


TIN LIÊN QUAN