Béo phì và nội tiết tố tăng trưởng (Growth Hormon)

 

Nội tiết tố tăng trưởng (GH) được tiết ra bởi tuyến yên. Hầu hết các tác dụng của GH đều thông qua trung gian yếu tố tăng trưởng giống Insulin-1 (IGF-1), nhưng GH cũng có tác dụng độc lập với IGF-1. Nồng độ IGF-1 trong huyết thanh phản ánh chính xác nhất hoạt động sinh học của nội tiết tố tăng trưởng GH. Gan là nguồn cung cấp IGF-1 chính.

 

Béo phì và nội tiết tố tăng trưởng (Growth Hormon)

Béo phì và nội tiết tố tăng trưởng (Growth Hormon)

1. Tổng quan

GH và IGF-1 cùng nhau ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa đường, đạm, mỡ, ức chế sự tích tụ chất béo, thúc đẩy quá trình tích lũy chất đạm và thay đổi mức tiêu hao năng lượng cũng như thành phần cơ/mỡ trong cơ thể. Thông thường, sự bài tiết GH bị ức chế do insulin tăng lên trong giai đoạn sau bữa ăn. Quá trình này cho phép cơ bắp hấp thu chất đường thúc đẩy quá trình tạo ra glycogen (là một dạng đường dự trữ) và tạo mỡ, có thể góp phần gây tăng cân. Ngược lại, khi nhịn ăn, nồng độ nội tiết tố GH tăng lên tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phân giải mỡ và sản xuất chất đường ở gan, có tác dụng giảm cân.

Sự bài tiết GH tuân theo một mô hình dao động bị ảnh hưởng bởi tuổi tác, giới tính, giấc ngủ, ăn uống, hoạt động thể chất và cân nặng. Béo phì thường đi kèm với việc giảm mức GH. Có mối quan hệ nghịch đảo giữa mức GH, chỉ số khối cơ thể và phần trăm khối lượng chất béo, đặc biệt là mỡ nội tạng, nghĩa là mức GH càng thấp thì các yếu tố kể trên càng cao. Việc giảm nồng độ GH trong bệnh béo phì bao gồm giảm tần suất bài tiết và tăng tốc độ chuyển hóa và thanh thải GH.

Vì GH có đặc tính phân giải mỡ và đồng hóa, nên người ta cho rằng sự suy giảm GH ở người cao tuổi và người béo phì có thể là một phần nguyên nhân dẫn đến sự tiến triển của các bệnh chuyển hóa. GH được biết là gây ra tình trạng kháng insulin (đề kháng insulin). Tăng đề kháng insulin được thấy ở tuổi dậy thì và đái tháo đường thai kỳ một phần là do hoạt động của GH tăng lên. Ngoài ra, trong bệnh to đầu chi do u tuyến yên tăng tiết GH có biểu hiện rối loạn dung nạp đường huyết và đái tháo đường.

Có những điểm tương đồng nổi bật giữa hội chứng chuyển hóa và thiếu hụt nội tiết tố tăng trưởng GH khởi phát ở người trưởng thành không được điều trị gồm: tăng mỡ nội tạng, đề kháng insulin, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch sớm và bệnh tim mạch. Các yếu tố này đã gợi mở các nghiên cứu về sự suy giảm của GH ở bệnh béo phì. Hơn nữa, khi người béo phì giảm cân, phản ứng tiết GH được cải thiện. Tuy nhiên, các nghiên cứu vẫn chưa tìm được mức độ giảm cân cần thiết để bình thường hóa hoàn toàn quá trình tiết GH.

Mặc dù mức độ GH giảm ở người béo phì, thì mức độ IGF-1 không khác biệt đáng kể giữa những người mắc và không mắc bệnh béo phì. Các nghiên cứu đã cho thấy mức IGF-1 hầu hết là bình thường hoặc hơi thấp ở những người mắc bệnh béo phì. Nghiên cứu từ Maccario và cộng sự cho thấy sử dụng nội tiết tố tăng trưởng người tái tổ hợp (rhGH) liều thấp có tác dụng kích thích tăng cường bài tiết IGF-1 ở những người béo phì so với những người có cân nặng bình thường.

2. Các cơ chế gây ra mức độ tiết GH thấp hơn ở bệnh béo phì

Tăng insulin máu đi kèm với béo phì có thể là một trong nhữngnguyên nhân ức chế bài tiết GH. Insulin làm tăng làm tăng IGF-1. Nồng độ IGF-1 tự do cao trong trường hợp này gây ra cơ chế phản hồi tiêu cực đối với sự tiết GH.

Mức nội tiết tố giới tính cũng có thể chi phối hoạt động của GH. Người ta đã chứng minh rằng testosterone (nội tiết tố nam) làm tăng tác dụng kích thích phụ thuộc vào GH đối với việc sản xuất IGF-I, tăng cường chuyển hóa đạm và năng lượng. Ngược lại, estrogen (nội tiết tố nữ) gây ra tình trạng kháng GH ở gan, dẫn đến giảm tương đối sản xuất IGF-I trên mỗi đơn vị bài tiết GH.

Các cơ chế khả thi khác đối với phản ứng GH bị thay đổi trong bệnh béo phì là axit béo tự do (FFA) và leptin, cả hai đều tăng trong bệnh béo phì. Lee và cộng sự đã chỉ ra rằng việc giảm nồng độ axit béo tự do ở những đối tượng béo phì thông qua việc sử dụng thuốc Acipimox dẫn đến tăng phản ứng của GH đối với nội tiết tố giải phóng GH. Ở động vật, leptin có vai trò ức chế bài tiết GH từ tuyến yên thông qua tác dụng của nó đối với nội tiết tố hướng GH và neuropeptide Y (NPY) ở vùng dưới đồi.

3. Liệu pháp nội tiết tố tăng trưởng tái tổ hợp (rhGH) ở bệnh nhân béo phì

Nội tiết tố tăng trưởng tái tổ hợp đã được nghiên cứu rộng rãi như một phương pháp điều trị bệnh béo phì. Việc sử dụng nội tiết tố tăng trưởng người tái tổ hợp (rhGH) ở người cao tuổi và đối tượng béo phì nội tạng giúp giảm khối lượng mỡ, tăng khối lượng cơ nạc và cải thiện các dấu hiệu bệnh tim mạch. Phân tích cho thấy liệu pháp nội tiết tố tăng trưởng người tái tổ hợp rhGH làm giảm mỡ nội tạng và tăng khối lượng cơ nạc cũng như có những thay đổi có lợi về thành phần chất béo ở người trưởng thành mắc bệnh béo phì, nhưng không gây giảm cân đáng kể. Trên thực tế, việc giảm khối lượng mỡ bụng nhờ rhGH rất thấp so với các can thiệp về lối sống. Ngoài ra, việc sử dụng rhGH có gây tăng đường huyết lúc đói và insulin máu trong thời gian ngắn.

Các nghiên cứu về nội tiết tố tăng trưởng người tái tổ hợp rhGH ở người trẻ cho kết quả khả quan. Nghiên cứu ở người trẻ (18-29 tuổi) mắc bệnh béo phì và gan nhiễm mỡ không do rượu cho thấy nội tiết tố tăng trưởng người tái tổ hợp rhGH có lợi trong việc giảm hàm lượng chất béo trong gan. Ngoài ra, những bé trai bị béo phì (8-18 tuổi) được điều trị bằng rhGH trong một năm, chỉ số khối cơ thể đã giảm và mức độ yếu tố tăng trưởng giống như insulin 1 (IGF -1) tăng. Điều trị GH cũng làm cải thiện mỡ xấu trong máu.

Tóm lại, béo phì đi kèm với giảm bài tiết GH. Điều trị bằng GH ở người bệnh béo phì cho thấy một số lợi ích ở những người bị thiếu hụt GH. Đối với những người không thiếu GH, những lợi ích này có vẻ không nhiều ở bệnh nhân béo phì có xét nghiệm trục GH bình thường. Do đó, việc sử dung GH ở người béo phì có trục GH bình thường dường như không có lợi hơn so với thay đổi lối sống để người bệnh phải đánh đổi bằng các tác dụng phụ tiềm ẩn lâu dài do dùng nội tiết tố tăng trưởng GH.

Bệnh viện Gia An 115 là bệnh viện đa khoa tập trung vào các chuyên khoa sâu: Tim mạch, Hô hấp, Thần kinh, Ung bướu, Nội tiết, Tiêu hóa, Thận - Tiết niệu, Lọc máu - Thay huyết tương, Chấn thương chỉnh hình, Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng.

Bệnh viện tọa lạc tại khu vực cửa ngõ miền Tây, là nơi ứng dụng các phương pháp chẩn đoán và điều trị hiện đại, mang đến cho cộng đồng một dịch vụ y tế chuẩn mực cao.

Bệnh viện thực hiện nhiều kỹ thuật cao như can thiệp tim mạch và bệnh lý mạch máu não, điều trị ung thư với kỹ thuật tiên tiến, phẫu thuật nội soi, can thiệp xâm lấn tối thiểu bệnh lý Gan - Mật - Tụy, chấn thương chỉnh hình, siêu lọc máu… đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ để mang đến sự hài lòng cao nhất cho bệnh nhân và người thân.

Bệnh viện đã thông tuyến Bảo hiểm y tế, tất cả thẻ BHYT không phân biệt nơi khám chữa bệnh ban đầu đều được hưởng đúng tuyến trong mọi trường hợp khám bệnh ngoại trú và điều trị nội trú.

Địa chỉ: Số 05, Đường 17A, Khu phố 11, P. Bình Trị Đông B, Q. Bình Tân, TP. HCM

Tổng đài tư vấn: (028) 62 885 886 - 0898 333 115

Cấp cứu: (028) 62 655 115

 


TIN LIÊN QUAN