Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh thận mạn

 

Trên thực tế người bệnh bị suy thận dễ dẫn tới suy dinh dưỡng do mất protein và năng lượng dự trữ liên quan đến nhiều rối loạn chuyển hóa. Ngoài lượng dinh dưỡng tự phát không đủ, một số yếu tố khác như nhiễm toan chuyển hóa, kháng insulin, viêm mãn tính, thay đổi hệ vi sinh đường ruột, nhiễm trùng và stress oxy hóa là yếu tố dẫn tới suy dinh dưỡng.

Vì vậy chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ điều trị và hạn chế tiến triển bệnh, giúp nâng cao chất lượng sống khỏe, cải thiện mức lọc cầu thận, albumin huyết thanh, giảm huyết áp và cholesterol huyết thanh.

 Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh thận mạn tính

 Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh thận mạn

1. Suy thận mạn là gì?

Suy thận mạn là hậu quả cuối cùng của các bệnh thận – tiết niệu mạn tính làm chức năng thận suy giảm dần dần tương ứng với số lượng nephron của thận bị tổn thương và mất chức năng không phục hồi. Suy thận mạn gây ra mức lọc cầu thận giảm, rối loạn điện giải, tăng huyết áp, thiếu máu mạn tính.

Bệnh có thể tiến triển dần dần và nặng lên theo đợt và cuối cùng dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối, lúc này hai thận mất chức năng hoàn toàn đòi hỏi phải điều trị thay thế thận như lọc máu, ghép thận…tốn kém rất nhiều tiền của và giảm chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Vì vậy suy thận mạn cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để cải thiện triệu chứng của bệnh đồng thời kéo dài thời gian chuyển thành suy thận giai đoạn cuối, kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.

Suy thậnHình ảnh minh họa: Bệnh suy thận mạn (Internet)

2. Dinh dưỡng cho người bệnh suy thận mạn

a. Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh suy thận mạn chưa lọc máu

- Năng lượng cho người trưởng thành:

  • ≤60 tuổi: 35 Kcal/kg cân nặng lý tưởng/ngày.
  • >60 tuổi: 30-35 Kcal /kg cân nặng lý tưởng/ ngày.

- Protein: lượng protein thay đổi tùy theo giai đoạn bệnh với tối thiểu 50% từ nguồn có giá trị sinh học cao:

  • Bệnh suy thận mạn giai đoạn 1 - 2: lượng protein là 1 g/kg cân nặng lý tưởng/ ngày.
  • Bệnh suy thận mạn giai đoạn 3 - 4: lượng protein từ 0,6-0,8 g/kg cân nặng lý tưởng/ ngày.
  • Bệnh suy thận mạn giai đoạn 5: lượng protein là 0,6 g/kg cân nặng lý tưởng/ ngày.

- Lipid: 20-<30% tổng năng lượng

- Glucid: 50-60% tổng năng lượng. Kiểm soát lượng Glucid với những bệnh nhân có tăng Glucose máu hoặc đái tháo đường kèm theo để duy trì nồng độ HbA1c ≤ 7%.

- Kiểm soát cân nặng ở những bệnh nhân có thừa cân, béo phì.

- Natri: khi bệnh nhân có tăng huyết áp, có phù thì natri khẩu phần ăn < 2000 mg/ ngày.

- Kali thay đổi tùy vào từng giai đoạn của bệnh thận mạn để điều chỉnh phù hợp.

  • Kali: <4000 mg/ngày với bệnh suy thận mạn tính giai đoạn 1–2
  • Kali: <3000 mg/ngày với bệnh suy thận mạn tính giai đoạn 3–4.
  • Kali: <1500 - 2000 mg/ngày với bệnh suy thận mạn tính giai đoạn 5 không lọc máu.

- Phospho: tùy thuộc từng giai đoạn của bệnh;

  • 800 - 1200 mg/ngày với bệnh suy thận mạn tính giai đoạn 1–2
  • 800 - 1000 mg/ngày với bệnh suy thận mạn tính giai đoạn 3–4 và giai đoạn 5.

- Canxi: <2000 mg/ngày.

- Theo dõi điện giải để điều chỉnh lượng natri, kali, phospho trong khẩu phần.

- Đủ vitamin và các khoáng chất khác theo nhu cầu.

- Nước: theo dõi thường xuyên, V nước = V nước tiểu + V dịch mất bất thường như (nôn, ỉa chảy, sốt…) + 300 đến 500 ml (tùy vào các mùa trong năm).

b. Bệnh thận mạn tính có lọc máu

- Năng lượng: 30–35 Kcal/kg cân nặng/ngày.

- Protein: lượng protein thay đổi tùy theo giai đoạn bệnh với tối thiểu 50% từ nguồn có giá trị sinh học cao:

  • 1,2 g/kg cân nặng lý tưởng/ ngày đối với người bệnh chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng 3 lần/tuần.
  • 1 g/kg cân nặng lý tưởng/ngày đối với người bệnh chạy thận nhân tạo 2 lần/ngày.
  • 0,8 g/kg cân nặng lý tưởng/ ngày với người bệnh chạy thận nhân tạo 1 lần/ngày.

- Lipid: 20 -<30% tổng năng lượng.

- Glucid: tỷ lệ phù hợp với tổng năng lượng.

- Natri: <2000 mg/ngày.

- Phospho: tùy thuộc từng giai đoạn của bệnh;

  • 800 – 1200 mg/ngày với chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng 3 lần/tuần
  • 800 – 1000 mg/ngày với chạy thận nhân tạo, màng lọc bụng 2 lần/tuần
  • <800 mg/ngày với chạy thận nhân tạo, màng lọc bụng 1 lần/tuần.

- Kali thay đổi tùy vào từng giai đoạn của bệnh thận mạn để điều chỉnh phù hợp.

  • 2000 – 3000mg/ngày đối với chạy thận nhân tao, lọc màng bụng 3 lần/ tuần
  • 1500 – 2000 mg/ngày đối với chạy thận nhân tao, lọc màng bụng 2 lần/tuần và chạy thận nhân tạo 1 lần/tuần.

- Canxi:

  • 1000 – 1500 mg/ngày đối với chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng 2 – 3 lần/tuần.
  • <1000 – 1500 mg/ngày đối với chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng 1 lần/ tuần

- Đủ vitamin và các khoáng chất khác.

- Nước: theo dõi thường xuyên. V nước = V nước tiểu + V dịch mất bất thường như sốt, tiêu chảy, ói + 300 đến 500 ml tùy thuộc các mùa trong năm.

3. Lời khuyên dinh dưỡng cho người bệnh thận mạn tính

- Các bữa ăn phải đảm bảo đủ năng lượng và các dưỡng chất cần thiết.

- Ăn ít đạm. Lượng đạm được ăn hàng ngày tùy thuộc vào giai đoạn bệnh. Ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm giàu đạm từ động vật có giá trị sinh học cao như thịt, cá, trứng,…

- Hạn chế thực phẩm giàu Natri, Kali, Photpho.

- Sử dụng các thực phẩm có nhiều Canxi.

- Đảm bảo cân bằng điện giải, nước; uống nước theo chỉ định của bác sĩ.

- Kiểm soát cân nặng ở người thừa cân, béo phì.

BS. Võ Thị Tố Hi – Phụ trách Khoa dinh dưỡng - tiết chế.

Bệnh viện Gia An 115 là bệnh viện đa khoa tập trung vào các chuyên khoa sâu: Tim mạch, Hô hấp, Thần kinh, Ung bướu, Nội tiết, Tiêu hóa, Thận - Tiết niệu, Lọc máu - Thay huyết tương, Chấn thương chỉnh hình, Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng.

Bệnh viện tọa lạc tại khu vực cửa ngõ miền Tây, là nơi ứng dụng các phương pháp chẩn đoán và điều trị hiện đại, mang đến cho cộng đồng một dịch vụ y tế chuẩn mực cao.

Bệnh viện thực hiện nhiều kỹ thuật cao như can thiệp tim mạch và bệnh lý mạch máu não, điều trị ung thư với kỹ thuật tiên tiến, phẫu thuật nội soi, can thiệp xâm lấn tối thiểu bệnh lý Gan - Mật - Tụy, chấn thương chỉnh hình, siêu lọc máu… đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ để mang đến sự hài lòng cao nhất cho bệnh nhân và người thân.

Bệnh viện đã thông tuyến Bảo hiểm y tế, tất cả thẻ BHYT không phân biệt nơi khám chữa bệnh ban đầu đều được hưởng đúng tuyến trong mọi trường hợp khám bệnh ngoại trú và điều trị nội trú.

Địa chỉ: Số 05, Đường 17A, Khu phố 11, P. Bình Trị Đông B, Q. Bình Tân, TP. HCM

Tổng đài tư vấn: (028) 62 885 886 - 0898 333 115

Cấp cứu: (028) 62 655 115


TIN LIÊN QUAN