Đái tháo đường và yếu tố nguy cơ tim mạch

 

Bệnh tim mạch cho đến hiện nay vẫn là gánh nặng sức khỏe chính và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Bệnh tim mạch xảy ra chủ yếu do xơ vữa động mạch (CVD).

 

Đái tháo đường và yếu tố nguy cơ tim mạch

Đái tháo đường và yếu tố nguy cơ tim mạch

Ước tính có khoảng 17,9 triệu người chết vì CVD vào năm 2019, chiếm 32% tổng số ca tử vong toàn cầu. Trong số những ca tử vong này, 85% là do nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Hơn 3/4 số ca tử vong do bệnh tim mạch xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Trong số 17 triệu ca tử vong sớm (dưới 70 tuổi) do các bệnh không lây nhiễm năm 2019, 38% là do bệnh tim mạch.

Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với nam giới, phụ nữ hầu hết các nhóm chủng tộc và sắc tộc tại Mỹ. Cứ 34 giây lại có một người chết ở Mỹ vì bệnh tim mạch. Khoảng 697.000 người ở Mỹ đã chết vì bệnh tim vào năm 2020, cứ 5 ca tử vong thì có 1 ca tử vong do tim mạch. Bệnh tim mạch đã tiêu tốn của Mỹ khoảng 229 tỷ đô la mỗi năm từ 2017 đến 2018. Chi phí này bao gồm chi phí cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thuốc men và mất năng suất lao động do tử vong.

Vào năm 2020, cứ 10 trường hợp tử vong do bệnh mạch vành tim (CAD) thì có khoảng 2 trường hợp xảy ra ở người lớn dưới 65 tuổi. Tại Mỹ, cứ 40 giây lại có một người lên cơn đau tim. Mỗi năm, khoảng 805.000 người ở Hoa Kỳ bị nhồi máu cơ tim. Trong số này, 605.000 là bị nhồi máu lần đầu và 200.000 xảy ra với những người đã từng bị nhồi máu cơ tim. Khoảng 20% cơn đau tim diễn ra thầm lặng, tổn thương cơ tim đã xảy ra nhưng người bệnh không nhận thức được.

Sự gia tăng tần suất xơ vữa động mạch ở các nước đang phát triển là hệ quả của sự kéo dài tuổi thọ, sự gia tăng tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp và những thay đổi trong lối sống như ăn nhiều chất béo, ít vận động thể lực, hút thuốc lá.

Rối loạn chức năng nội mạc là khởi đầu của xơ vữa động mạch. Các tác nhân gây rối loạn chức năng nội mạc gồm: (1) Lực xé của dòng máu tác động trên một số vị trí của hệ động mạch như những chỗ chia nhánh (lực xé tăng trong tăng huyết áp); (2) Tăng cholesterol huyết tương; (3) Các gốc tự do tạo nên do hút thuốc lá; (4) Các sản phẩm glycat hóa trong bệnh đái tháo đường; (5) Tăng homocysteine huyết tương; (6) Các phức hợp miễn dịch và các tác nhân nhiễm trùng; (7) Phối hợp nhiều tác nhân.

Kết quả của các nghiên cứu dịch tễ cho phép nhận diện nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch có thể thay đổi được của xơ vữa động mạch như hút thuốc lá, tăng huyết áp, tăng cholesterol và tăng đường huyết ở người bệnh đái tháo đường. Báo cáo của Tổ chức y tế thế giới nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá toàn diện các yếu tố nguy cơ nhằm xác định toàn bộ nguy cơ phát triển bệnh tim mạch của từng bệnh nhân.

Năm 1990 trong một báo cáo thuộc nhóm nghiên cứu Framingham ghi nhận bệnh nhân đái tháo đường có các bệnh lý tim mạch nhiều hơn người không đái tháo đường khoảng từ 2-4 lần, nguy cơ này còn cao hơn ở nữ giới.

Nghiên cứu MRFIT (Multiple Risk Factor Intervention Trial), khảo sát mối liên hệ giữa việc kiểm soát lipid máu và các biến cố tim mạch trên những người có rối loạn lipid máu. Phân tích phân nhóm của nghiên cứu này trên khoảng 5000 bệnh nhân có rối loạn lipid máu đã cho thấy tỉ lệ tử vong do bệnh tim mạch tăng theo mức độ cholesterol trên người không mắc đái tháo đường, và tỉ lệ tử vong này tăng lên cao gấp 3-4 lần trên những bệnh nhân bị đái tháo đường type 2.

Đái tháo đường có biến chứng mạch máu lớn mà thực chất là bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch như bệnh mạch vành, bệnh mạch máu não và bệnh động mạch ngoại vi. Cơ chế bệnh sinh nền tảng của người bị đái tháo đường là thiếu hụt hoặc giảm tính nhạy cảm của insulin, vì vậy, người ta thường nghĩ rằng nếu bù đắp được sự thiếu hụt insulin hay tăng tính nhạy cảm của insulin, đưa được đường huyết về bình thường thì sẽ cải thiện được tình trạng bệnh. Tuy nhiên, trên người bệnh đái tháo đường type 2, ngoài tình trạng tăng đường huyết thì người bệnh vốn có tiềm ẩn những nguy cơ tim mạch khác đi cùng như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid.

Mối tương quan giữa tăng đường huyết, xơ vữa động mạch và rối loạn chức năng nội mạc rất chặt chẽ. Tăng đường huyết làm tăng tình trạng glycat hóa tất cả các protein, do đó làm tăng liên kết chéo giữa các sợi protein và dày lớp mô nền ngoại bào ở thành mạch máu. Tăng đường huyết cũng làm tăng biểu lộ các phân tử kết dính ở lớp nội mạc mao mạch.

Rối loạn lipid máu cũng góp phần vào quá trình xơ vữa động mạch. Rối loạn lipid máu là một trong những yếu tố khởi đầu cho quá trình hình thành và phát triển xơ vữa động mạch. Trong tình trạng đề kháng insulin, men lipase ở mô mỡ không bị ức chế, do đó một lượng lớn triglycerid ở mỡ tạng sẽ bị thủy phân thành glycerol và acid béo, acid béo sẽ đi vào tĩnh mạch cửa đến gan. Trong khi lưu thông trong máu, LDL nhỏ tỉ trọng cao sẽ dễ dàng bị glycat hóa trong môi trường đường huyết tăng cao, các tiểu phân LDL bị glycat hoá sẽ tồn tại lâu hơn trong máu. Các LDL kích thước nhỏ và đậm đặc sẽ chui vào lớp dưới nội mạc mạch máu và sẽ bị oxít hóa. Các LDL đã bị ô xít hóa sẽ dễ bị các bạch cầu đơn nhân thực bào một cách không có giới hạn tạo ra các tế bào bọt khởi đầu việc hình thành xơ vữa động mạch.  Bộ ba tăng triglycerid, giảm HDL, tăng tiểu phân LDL nhỏ tỉ trọng cao là đặc trưng của rối loạn lipid máu gặp ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2 đề kháng insulin. Nồng độ cholesterol toàn phần và LDL trong máu có tương quan có ý nghĩa với nguy cơ tai biến mạch vành và tử vong do bệnh động mạch vành. Các nghiên cứu dịch tễ cho thấy ứng với tăng 1% LDL thì nguy cơ mạch vành tăng 2% - 3%. Nhiều thử nghiệm lâm sàng đã chứng tỏ hạ cholesterol bằng thuốc nhóm statin có lợi ích rất lớn trong phòng ngừa tiên phát lẫn thứ phát bệnh động mạch vành.

Tăng huyết áp cũng thường hay đi kèm với bệnh đái tháo đường. Tỉ lệ tăng huyết áp trên bệnh nhân đái tháo đường type 2 cao, dao động từ 50% lúc mới chẩn đoán đến 80% khi có tiểu đạm vi thể và 95% khi có tiểu đạm đại thể. Tăng huyết áp cũng là một trong những yếu tố khởi đầu quá trình xơ vữa động mạch. Theo ước tính của Mac Mahon và cộng sự, ứng với mức tăng 5 mmHg huyết áp tâm trương, nguy cơ đột quỵ tăng ít nhất 34% và nguy cơ bệnh mạch vành tăng ít nhất 21%. Tăng huyết áp trên bệnh nhân đái tháo đường làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành lên 3%, đột quỵ lên 4%, bệnh thận mạn lên 2% và tử vong chung do mọi nguyên nhân lên 2% so với những bệnh nhân đái tháo đường không có tăng huyết áp.

Theo nghiên cứu của Haffner và cộng sự cho thấy nguy cơ chết do bệnh động mạch vành của bệnh nhân đái tháo đường không có tiền sử nhồi máu cơ tim tương đương với nguy cơ này của bệnh nhân không có đái tháo đường đã từng bị nhồi máu cơ tim. Báo cáo lần III của Chương trình Giáo dục Cholesterol Quốc gia Hoa Kỳ đã xếp loại đái tháo đường là một tình trạng tương đương về nguy cơ với bệnh động mạch vành.

Tử vong và biến chứng do tim mạch chiếm tỉ lệ lớn ở cộng đồng người mắc đái tháo đường. Để hạn chế tử vong và các biến chứng tim mạch trên người đái tháo đường, cần kiểm soát đường huyết tích cực, điều trị  rối loạn lipid máu đạt mục tiêu theo khuyến cáo, bỏ thuốc lá, tập thể dục đều đặn, dinh dưỡng hợp lý, giảm cân và tuân thủ điều trị theo toa bác sĩ.

Bệnh viện Gia An 115 là bệnh viện đa khoa tập trung vào các chuyên khoa sâu: Tim mạch, Hô hấp, Thần kinh, Ung bướu, Nội tiết, Tiêu hóa, Thận - Tiết niệu, Lọc máu - Thay huyết tương, Chấn thương chỉnh hình, Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng.

Bệnh viện tọa lạc tại khu vực cửa ngõ miền Tây, là nơi ứng dụng các phương pháp chẩn đoán và điều trị hiện đại, mang đến cho cộng đồng một dịch vụ y tế chuẩn mực cao.

Bệnh viện thực hiện nhiều kỹ thuật cao như can thiệp tim mạch và bệnh lý mạch máu não, điều trị ung thư với kỹ thuật tiên tiến, phẫu thuật nội soi, can thiệp xâm lấn tối thiểu bệnh lý Gan - Mật - Tụy, chấn thương chỉnh hình, siêu lọc máu… đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ để mang đến sự hài lòng cao nhất cho bệnh nhân và người thân.

Bệnh viện đã thông tuyến Bảo hiểm y tế, tất cả thẻ BHYT không phân biệt nơi khám chữa bệnh ban đầu đều được hưởng đúng tuyến trong mọi trường hợp khám bệnh ngoại trú và điều trị nội trú.

Địa chỉ: Số 05, Đường 17A, Khu phố 11, P. Bình Trị Đông B, Q. Bình Tân, TP. HCM

Tổng đài tư vấn: (028) 62 885 886 - 0898 333 115

Cấp cứu: (028) 62 655 115


TIN LIÊN QUAN