Đi cấp cứu vì đột quỵ, bệnh nhân được phát hiện bị nhồi máu cơ tim

 

Cụ ông 75 tuổi được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Gia An 115 (thuộc Tập đoàn Hoa Lâm – Khu Y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm Sangri-la, Q. Bình Tân, TP.HCM) trong tình trạng nói đớ, yếu liệt nửa người, nghi đột quỵ não. Tuy nhiên, các kết quả cận lâm sàng cho thấy, bệnh nhân bị cùng lúc đột quỵ não cấp và nhồi máu cơ tim cấp – tình trạng rất hiếm gặp nhưng lại cực kỳ nguy hiểm, đòi hỏi can thiệp khẩn cấp để bảo vệ tính mạng người bệnh.

Đi cấp cứu vì đột quỵ, phát hiện thêm nhồi máu cơ tim

Người bệnh T.V.C (sinh năm 1948, ngụ Bình Chánh, TP.HCM) nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Gia An 115 trong tình trạng liệt dây VII trung ương bên trái, yếu nửa người bên trái, nói đớ. Thân nhân người bệnh cho biết, ông T.V.C có tiền sử tăng huyết áp và đái tháo đường type 2. Trước nhập viện khoảng 2 tiếng, khi đang nằm võng, cụ ông T.V.C đột ngột chóng mặt, bị ngã khỏi võng, đập đầu xuống đất. Sau khi té, dù bệnh nhân tỉnh nhưng vẫn còn chóng mặt, tay chân trái yếu, cầm đồ không chắc. Thấy thế, người thân đã đưa ông đi cấp cứu.

Tại Bệnh viện Gia An 115, kiểm tra lâm sàng cho thấy, người bệnh bị liệt vận nhãn ngang sang trái, liệt dây VII trung ương bên trái, nói đớ, yếu nửa người trái – đều là các triệu chứng cảnh báo đột quỵ. Do đó, các bác sĩ đã ngay lập tức kích hoạt quy trình Code Stroke và nhanh chóng cho người bệnh thực hiện các cận lâm sàng cần thiết. Kết quả CT scan cho thấy, người bệnh bị nhồi máu não bán cầu phải. Ở đầu giờ thứ 3 kể từ khi phát hiện triệu chứng đột quỵ đầu tiên, người bệnh đủ điều kiện để tiêm thuốc tiêu sợi huyết.

BS. CK2. Dương Duy Trang đang can thiệp trên người bệnh

Tuy nhiên, ngay sau đó, dựa trên kết quả xét nghiệm huyết học, các bác sĩ lại phát hiện người bệnh không chỉ bị đột quỵ mà còn đang trong cơn nhồi máu cơ tim cấp với chỉ số Troponin I hs tăng rất cao, lên đến 1.184,40 pg/mL (ở người bình thường là dưới 34 pg/mL). Nhồi máu não và nhồi máu cơ tim đều là những tình trạng cấp cứu rất nặng, dù xuất hiện riêng lẻ cũng đe dọa tính mạng bệnh nhân. Mắc cùng lúc đột quỵ nhồi máu não và nhồi máu cơ tim rất hiếm gặp nhưng nguy hiểm lại tăng lên nhiều lần, nếu không được can thiệp khẩn cấp và hợp lý, tính mạng người bệnh sẽ gặp rủi ro rất lớn.

“Cân não” để cứu sống người bệnh

BS. CKII. Dương Duy Trang – Phó Giám đốc, Trưởng khoa Nội tim mạch - Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Gia An 115, cho biết, đột quỵ nhồi máu não và nhồi máu cơ tim đều là cấp cứu khẩn nhưng lại không thể can thiệp đồng thời, trong khi điều trị tình trạng nào trước cũng sẽ làm trì hoãn việc điều trị tình trạng còn lại. Chính vì vậy, can thiệp nhồi máu não hay nhồi máu cơ tim trước là việc phải được cân nhắc, tính toán kỹ để bảo vệ tính mạng và mang lại hiệu quả điều trị cao nhất cho người bệnh.

Ảnh (DSA) chụp kỹ thuật cao động mạch vành

Sau khi tiến hành hội chẩn, dựa trên tình trạng của người bệnh, các bác sĩ quyết định sẽ tận dụng “thời gian vàng” để tiêm thuốc tiêu sợi huyết, xử trí vấn đề đột quỵ não trước. Điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết đã được chứng minh giúp giảm tỷ lệ tàn tật và tăng khả năng phục hồi vận động của bệnh nhân sau đột quỵ nhồi máu não. Tỷ lệ người bệnh không bị tàn phế, hoặc liệt vận động mức tối thiểu tăng thêm hơn 30% nếu được điều trị sớm với thuốc tiêu sợi huyết trong 3 giờ đầu sau khi xuất hiện triệu chứng. Nhưng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch khẩn cấp chỉ được sử dụng trong vòng 4,5 giờ kể từ khi người bệnh khởi phát cơn đột quỵ. Vì vậy, nếu xử trí chậm trễ, cơ hội điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết cho người bệnh sẽ không còn.

Sau khi được tiêm thuốc tiêu sợi huyết, người bệnh được theo dõi tích cực tại khoa Nội tim mạch – Tim mạch can thiệp. Đến 6 giờ 25 phút sáng ngày hôm sau, sau 9 tiếng theo dõi sát sao, người bệnh được quyết định tiến hành can thiệp tim mạch. BS. CKII. Dương Duy Trang cho biết, trong các trường hợp thông thường, sau khi tiêm thuốc tiêu sợi huyết, người bệnh cần được theo dõi tích cực 24 tiếng. Can thiệp tim mạch sau thời điểm này, người bệnh sẽ hạn chế được nguy cơ xuất huyết. Tuy nhiên, do bệnh nhân đang ở tình trạng cấp bách, có thể ngưng tim bất cứ lúc nào nên các bác sĩ phải tiến hành can thiệp dù biết trước có rất nhiều nguy cơ.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau hồi phục

Ê-kip do BS. CKII. Dương Duy Trang dẫn đầu đã nhanh chóng tiến hành chụp, nong và đặt stent động mạch vành cho người bệnh. Quá trình can thiệp chụp DSA cho thấy người bệnh bị hẹp động mạch liên thất trước, hẹp 90% nhánh LAD-I và 95% nhánh LAD-II, ngoài ra động mạch vành phải nhánh RCA III cũng hẹp 50%. Với sự cẩn trọng cao nhất, các bác sĩ đã đặt thành công 2 stent vào 2 nhánh LAD-I và LAD-II. Sau khi can thiệp, người bệnh tiếp tục được theo dõi tình trạng xuất huyết và điều trị nội khoa, kiểm soát huyết áp và đường huyết. Sau 8 ngày điều trị, người bệnh phục hồi tốt, các chỉ số ổn định và đã được xuất viện.

Ảnh chụp mạch số hóa xóa nền (DSA)

Chia sẻ từ BS. CKII. Dương Duy Trang, trường hợp người bệnh T.V.C mắc đồng thời nhồi máu não cấp và nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng rất hiếm gặp nhưng may mắn được phát hiện sớm và xử trí kịp thời nên người bệnh không gặp nguy hiểm tính mạng và đã phục hồi tốt sau can thiệp. Chính vì vậy, khi phát hiện người bệnh có các triệu chứng cảnh báo đột quỵ, thân nhân cần gọi trợ giúp y tế ngay hoặc đưa ngay người bệnh đến các cơ sở y tế có thể can thiệp điều trị đột quỵ, tận dụng tối đa “thời gian vàng” để nâng cao hiệu quả điều trị.

Thời gian qua, với kinh nghiệm của đội ngũ bác sĩ và sự đầu tư bài bản về trang thiết bị y tế, đặc biệt có phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ, Bệnh viện Gia An 115 đã cứu sống và điều trị thành công nhiều ca đột quỵ. Bệnh viện Gia An 115 hiện áp dụng cả 4 kỹ thuật điều trị đột quỵ gồm: Điều trị nội khoa tích cực, Thuốc tiêu sợi huyết, Can thiệp mạch máu não và Phẫu thuật não. Đặc biệt, từ năm 2021, Bệnh viện đã được trao Chứng nhận đạt chuẩn chất lượng điều trị Vàng của Tổ chức Đột quỵ Thế giới, trở thành bệnh viện tư đầu tiên tại Việt Nam đạt được chứng nhận này.

 

Bệnh viện Gia An 115 là bệnh viện đa khoa tập trung vào các chuyên khoa sâu: Tim mạch, Hô hấp, Thần kinh, Ung bướu, Nội tiết, Tiêu hóa, Thận - Thận nhân tạo, Tiết niệu, Lọc máu - Thay huyết tương, Chấn thương chỉnh hình, Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng.

Bệnh viện tọa lạc tại khu vực cửa ngõ miền Tây, là nơi ứng dụng các phương pháp chẩn đoán và điều trị hiện đại, mang đến cho cộng đồng một dịch vụ y tế chuẩn mực cao.

Bệnh viện thực hiện nhiều kỹ thuật cao như can thiệp tim mạch và bệnh lý mạch máu não, điều trị ung thư với kỹ thuật tiên tiến, phẫu thuật nội soi, can thiệp xâm lấn tối thiểu bệnh lý Gan - Mật - Tụy, chấn thương chỉnh hình, siêu lọc máu… đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ để mang đến sự hài lòng cao nhất cho bệnh nhân và người thân.

Bệnh viện đã thông tuyến Bảo hiểm y tế, tất cả thẻ BHYT không phân biệt nơi khám chữa bệnh ban đầu đều được hưởng đúng tuyến trong mọi trường hợp khám bệnh ngoại trú và điều trị nội trú.

Địa chỉ: Số 05, Đường 17A, Khu phố 11, P. Bình Trị Đông B, Q. Bình Tân, TP. HCM

Điện thoại: (028) 62 885 886
Cấp cứu: (028) 62 655 115
Website: www.giaan115.com


TIN LIÊN QUAN